Kinh tế tuần hoàn nhìn từ chai nhựa tái chế

Các quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam đang tìm giải pháp cho bao bì sau sử dụng để bảo vệ môi trường, trong đó kinh tế tuần hoàn đang được xem là giải pháp hiệu quả cho vấn đề này.

Kinh tế tuần hoàn nhìn từ chai nhựa tái chế - Ảnh 1.

Ông Fausto Tazzi, Tổng Giám đốc La Vie, đồng thời là Phó chủ tịch Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam)

Trong khi các nguyên liệu thân thiện môi trường đang trong quá trình được nghiên cứu và phát triển, thực tế, bao bì nhựa vẫn hiện diện trong cuộc sống hiện nay.

Vì thế, ngoài việc hạn chế bao bì nhựa dùng một lần, sử dụng chai nhựa tái chế cho ngành đồ uống để thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn được xem là giải pháp hữu hiệu đang được áp dụng tại nhiều nước, như các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu.

Tại Việt Nam, đã có những doanh nghiệp có động thái mở đầu cho mô hình kinh tế này.

Chai nước khoáng làm từ nhựa tái chế

Mới đây nhất, Công ty TNHH La Vie đã trở thành hãng nước khoáng đầu tiên tại Việt Nam giới thiệu ra thị trường sản phẩm nước khoáng sử dụng chai được làm từ nhựa tái chế (rPET), một bước đi mà ông Fausto Tazzi, Tổng giám đốc La Vie, kỳ vọng sẽ góp phần tạo động lực thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn tại VN.

rPET là loại nhựa được tạo ra từ vỏ chai PET đã qua sử dụng, với quy trình tái chế rất chặt chẽ để đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sáng kiến sử dụng bao bì rPET không chỉ góp phần giảm thiểu việc sử dụng nguyên liệu nhựa mới mà còn đem lại cơ hội tái sinh cho mỗi vỏ chai được thu gom và góp phần thúc đẩy hình thành thêm các ngành công nghiệp bao bì mới, liên quan đến tái chế.

Trước đó, để ra mắt được sản phẩm dùng chai nhựa tái chế, La Vie đã mất vài năm kể từ khi lên ý tưởng cho đến tìm nguồn cung rPET, sản phẩm trải qua quy trình nghiên cứu, lấy mẫu ở phòng thí nghiệm tại châu Âu và đáp ứng các tiêu chuẩn để được phê duyệt của tập đoàn Nestlé (Thụy Sĩ).

Hiện công ty đang nhập phôi nhựa về Việt Nam từ Tây Ban Nha để thổi chai và đưa sản phẩm nước khoáng ra thị trường.

Ông Fausto Tazzi, hiện cũng là Phó chủ tịch Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), cho biết sáng kiến này áp dụng với nước khoáng thiên nhiên 700ml sử dụng chai 50% nhựa tái chế.

Giá phôi chai nhựa rPET cao hơn từ 30-50% so với sử dụng nhựa mới, dẫn đến chi phí sản xuất, kinh doanh cũng đội lên.

Chúng tôi làm ra sản phẩm này không đơn thuần vì lợi nhuận mà vì tương lai và sự đúng đắn. Từ 2018, chúng tôi là công ty đầu tiên ngưng sử dụng màng co nắp chai cho các sản phẩm nước khoáng vì đây là phần khó thu gom. 

Còn bây giờ, chúng tôi ra mắt chai 50% nhựa tái chế, hi vọng tới một ngày không chỉ 50% mà là 100% nhựa tái chế“, ông Tazzi bày tỏ trong một cuộc gặp gỡ phóng viên báo Tuổi Trẻ gần đây.

PGS.TS Nguyễn Hồng Quân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế tuần hoàn (thuộc ĐHQG TP.HCM) – cho biết việc doanh nghiệp (DN) sử dụng chai nhựa tái chế cho sản phẩm nước khoáng là một bước đi cụ thể cho người tiêu dùng và cộng đồng thấy được tái chế nhựa cho ra những sản phẩm đã được các công ty đa quốc gia sử dụng, khiến người tiêu dùng thay đổi nhận thức, hành động trong việc thu gom, tái chế, sử dụng vật liệu tái chế.

Bên cạnh đó, ông Quân cho rằng điều này cũng có tác động lớn đến các DN khác khi họ có thể học hỏi, nghiên cứu và ứng dụng một cách phù hợp vật liệu tái chế trong ngành hàng của mình.

Riêng với ngành công nghiệp tái chế, ông Quân nhận định đây cũng là một trong những tín hiệu tích cực để thúc đẩy hơn nữa thị trường tái chế từ khâu thu gom, phân loại đến tiền xử lý đạt chuẩn để bán ra cho các DN lớn để đạt hiệu quả kinh tế khi tái chế lớn hơn.

Thúc đẩy sản xuất nhựa rPET tại Việt Nam

Ông Tazzi cho biết sáng kiến sử dụng nhựa tái chế là một phần trong kế hoạch thực hiện mục tiêu có thể tái chế và tái sử dụng 100% bao bì sản phẩm tới năm 2025 của La Vie và Tập đoàn Nestlé.

Hiện chai nước khoáng của công ty có thể được tái chế 100% vì thế đây cũng là một trong những nguồn đầu vào chất lượng cho quy trình tái chế để tạo ra nhựa rPET dùng cho ngành giải khát.

Kinh tế tuần hoàn nhìn từ chai nhựa tái chế - Ảnh 2.

Dây chuyền cho ra đời những chai nước khoáng thiên nhiên 700ml sử dụng chai 50% nhựa tái chế của La Vie

Chai nhựa sẽ tham gia vào vòng kinh tế tuần hoàn, trở thành nhựa dùng được cho thực phẩm nếu được thu gom, tái chế đúng cách, miễn đừng để chúng bị nhiễm bẩn, nhiễm dầu thì chúng hoàn toàn có thể tái chế thành những chai nhựa mới. Nếu không, chúng chỉ có thể được tái chế thành nhựa dùng cho những mục đích khác, như áo thun, vali,... “, ông Tazzi cho biết.

Tuy nhiên, hiện các công ty giải khát đối mặt nhiều thách thức trong việc sử dụng nhựa tái chế vì ở VN chưa có các DN sản xuất loại nhựa tái chế dùng cho thực phẩm. Vì thế, công ty đang phải nhập khẩu phôi nhựa tái chế từ châu Âu.

Là DN trong ngành nhựa đã xây dựng nhà máy nhựa tái chế dùng cho ngành đồ uống với tổng vốn đầu tư hơn 60 triệu USD, ông Lê Anh – Phó tổng giám đốc Công ty CP sản xuất nhựa Duy Tân – cho biết nhà máy tái chế của DN này đã hoàn thành, dự kiến bắt đầu sản xuất vào quý 1 năm 2021.

Nhà máy này có quy mô 65.000m2 tại huyện Đức Hòa (tỉnh Long An). Ngoài đầu tư sản xuất chai nhựa tái chế rPET cho ngành đồ uống, Duy Tân còn sản xuất một số sản phẩm được làm từ nhựa tái chế (không dùng cho thực phẩm) như chai để đựng dầu gội, sữa tắm từ HDPE và tương lai có thể là một số sản phẩm gia dụng từ nhựa PP.

Một số đối tác lớn của chúng tôi về sản phẩm tái chế có thể kể đến như Unilever, La Vie… Chúng tôi đặt mục tiêu nhà máy nhựa tái chế sẽ là động lực tiếp theo của công ty, dự kiến có thể đóng góp 20 – 25% trong tổng doanh thu của công ty trong những năm tới”, ông Lê Anh chia sẻ.

Theo ông Lê Anh, việc phân loại rác tại nguồn tại VN hiện vẫn chưa được chú trọng bởi ý thức của người dân, công tác tuyên truyền lẫn một số đơn vị thu gom không có xe chuyên dụng để cùng lúc thu gom 2 loại rác hữu cơ, vô cơ nên hiệu quả của việc thu gom, phân loại vẫn chưa như kỳ vọng.

Do đó, ông Lê Anh cho rằng cần phải đẩy mạnh việc phân loại rác sinh hoạt tại nguồn để vừa tiết kiệm chi phí xử lý rác thải, tiết kiệm diện tích đất chôn lấp, vừa hạn chế ô nhiễm nguồn nước ngầm…

PGS. TS. Nguyễn Hồng Quân cũng cho biết thêm, để tạo đầu vào cho rPET cần một hệ thống phân loại ngay tại nguồn để đảm bảo chất lượng nhựa thành phẩm.

Việt Nam chưa có một hệ thống hoàn chỉnh như thế nhưng các doanh nghiệp có thể hợp tác với nhau để làm trước mô hình thu nhỏ. Chẳng hạn như có thể khuyến khích người tiêu dùng phân loại vỏ chai sạch ngay tại các siêu thị, điểm ăn uống, và dùng nguồn này cung cấp cho doanh nghiệp sản xuất nhựa rPET, cứ thế có thể nhân rộng lên.

Ngoài ra, ở góc nhìn bao quát hơn, bên cạnh cơ chế chính sách, cần phải đầu tư về hạ tầng thu gom, vận chuyển, tái chế để thu hút không chỉ người dân, một vài DN mà cả cộng đồng cùng tham gia một cách đồng bộ để có tạo thành những mô hình hay, dễ dàng nhân rộng.

0902.57.07.67